Thí sinh có thể có 5 ngày để thử đăng ký xét tuyển đại học, trước khi thực hiện chính thức từ ngày 18/7.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thí sinh dùng tài khoản đã đăng ký thi tốt nghiệp THPT để thao tác, tại http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.
Trừ khâu nộp lệ phí xét tuyển, trong 5 ngày tập dượt (6-10/7), các em có thể thêm, xóa, thay đổi thứ tự nguyện vọng… Sau 10/7, toàn bộ thông tin sẽ bị xóa để chuẩn bị cho đợt đăng ký chính thức, từ ngày 18/7 đến 30/7.
Nguồn video: Hướng dẫn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến. Video: Vụ Giáo dục đại học
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lưu ý thí sinh tìm hiểu kỹ thông tin trong đề án và thông báo tuyển sinh của các trường, trước khi đăng ký trên hệ thống của Bộ.
Theo bà, năm ngoái, một số thí sinh còn nhầm lẫn về đối tượng và khu vực ưu tiên, dẫn đến sai sót, mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết. Do đó, nếu phát hiện sai sót, thí sinh cần thông báo, cung cấp thông tin để trường rà soát, cập nhật.
Theo lịch tuyển sinh đại học của Bộ, các trường phải công bố kết quả các phương thức xét tuyển sớm cho thí sinh trước ngày 10/7, đồng thời cập nhật danh sách trúng tuyển lên hệ thống. Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển chính thức bắt đầu từ ngày 18 đến 17 giờ 30/7. Trong khoảng thời gian này, thí sinh được thực hiện đăng ký, điều chỉnh, bổ sung các nguyện vọng đăng ký xét tuyển không giới hạn số lần.
Trúng tuyển sớm nhưng vẫn cần đăng ký trên hệ thống
Thí sinh “trúng tuyển sớm” vẫn cần đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7. Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Kết quả xét tuyển đại học được công bố vào ngày 19/8.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm vào các trường, lên hệ thống tuyển sinh chung và xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Thí sinh cũng cần đọc kỹ các yêu cầu, điều kiện tuyển sinh của các trường với từng ngành đào tạo, các phương án tuyển sinh được nêu rõ trong đề án tuyển sinh của trường để cung cấp dữ liệu đầy đủ nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi xét tuyển cho các em.
Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được xử lý trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển. Vì vậy, với các thí sinh đã trúng tuyển sớm, nếu đủ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông, các em sẽ chắc chắn trúng tuyển nếu đăng ký lên hệ thống.
Nếu muốn ưu tiên xét tuyển một ngành, trường khác với ngành, trường đã trúng tuyển sớm, thí sinh có thể đặt nguyện vọng ngành, trường đã trúng tuyển sớm xuống vị trí ưu tiên dưới ngành, trường mong muốn để tìm kiếm cơ hội đỗ vào các trường này.
Xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được cộng điểm ưu tiên?
Dưới đây là quy định về điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố danh mục 20 phương thức xét tuyển đại học chính thức năm 2024. Trong số các phương thức này, xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chủ đạo, được nhiều trường dành chỉ tiêu trong tuyển sinh năm nay.
Khi lấy điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để xét tuyển đại học, thí sinh sẽ tính theo công thức:
Tính điểm xét tuyển đối với các ngành không có môn nhân hệ số trong tổ hợp xét tuyển, theo công thức sau:
- Điểm xét đại học = Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 + Điểm ưu tiên (nếu có)
Trong đó:
- Điểm M1, M2, M3 là lần lượt điểm các môn thành phần trong tổ hợp xét tuyển thí sinh đăng ký.
Chẳng hạn, thí sinh chọn xét tuyển bằng tổ hợp môn khối A00 thì M1, M2, M3 lần lượt là điểm thi các môn Toán, Vật lý, Hóa học.
Điểm ưu tiên: Bao gồm điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực theo quy định của Bộ GDĐT hoặc từng trường đại học sẽ có quy định riêng.
Đối với các trường đại học áp dụng xét tuyển theo thang điểm 40 (nhận hệ số) thì tính điểm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 như sau:
- Điểm xét đại học = Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 x2 + Điểm ưu tiên (nếu có)
Nếu trường đại học áp dụng xét tuyển theo thang điểm 30 thì tính điểm đại học như sau:
- Điểm xét đại học = [Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 x2] x 3/4+ Điểm ưu tiên (nếu có).
Điểm xét tuyển trên áp dụng tương tự với các ngành thi năng khiếu tính hệ số 2 ở một số trường.
Quy định điểm ưu tiên
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GDĐT, mức điểm ưu tiên áp dụng cho KV1 là 0,75 điểm, KV2-NT là 0,5 điểm, KV2 là 0,25 điểm; KV3 không được tính điểm ưu tiên.
Bên cạnh điểm ưu tiên khu vực, quy chế hiện hành cũng quy định các trường hợp cụ thể thí sinh được hưởng ưu tiên đối tượng. Theo đó, nhóm ưu tiên 1 sẽ được cộng mức cao nhất là 2 điểm, nhóm ưu tiên 2 sẽ được cộng 1 điểm.
Những thí sinh đạt từ 22,5 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như trên.
Nhưng với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10), mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).
Theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GDĐT ban hành, thì công thức tính điểm ưu tiên với thí sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 22,5 điểm trở lên như sau:
Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 – tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Thí sinh xem cách tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 TẠI ĐÂY
Cập nhật các khóa học & kiến thức mới